Xây dựng Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ là tập hợp các hoạt động quản lý tổng hợp trên một vùng bờ cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định, được thực hiện theo lộ trình từ quy trình lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện, đến đánh giá, điều chỉnh và đề xuất hoàn thiện cho giai đoạn tiếp theo.
Hiện nay, các dữ liệu về vùng bờ ven biển tỉnh Sóc Trăng còn ít, chưa được cập nhật hệ thống hóa tập trung quản lý nên không có được đầy đủ, kịp thời các thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường vùng bờ. Vì vậy, những quyết định trong quản lý, định hướng phát triển kinh tế khu vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro do không có được đầy đủ các thông tin, dữ liệu.
Việc xây dựng Chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ nhằm khắc phục những bất cập do phương thức quản lý đơn ngành, riêng rẽ. Đề xuất những giải pháp để duy trì đa dạng sinh học và năng suất của các loài và các hệ sinh thái biển, các hệ thống giá trị xã hội và văn hóa truyền thống vào quản lý đới bờ, đồng thời đưa các cộng đồng địa phương cùng tham gia vào quá trình quản lý. Do đó, việc thực hiện dự án là cần thiết.
Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tỉnh Sóc Trăng nhằm quản lý, khai thác bền vững các tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ tỉnh Sóc Trăng trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu các tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.


Ảnh quang cảnh tại buổi họp Hội đồng
Qua phân tích của các thành viên Hội đồng cho thấy, để khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường vùng bờ của tỉnh hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh bảo vệ môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, dự báo các vấn đề về tài nguyên, môi trường là rất cần thiết.
Các thành viên Hội đồng đã phân tích, đánh giá sự cần thiết, tính cấp bách và ý nghĩa thực tiễn của Dự án, lưu ý để đơn vị tư vấn tập trung khu vực vùng bờ có nhiều hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và nguy cơ có mâu thuẫn, xung đột về lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên, cần sự phối hợp tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và cộng đồng; khu vực vùng bờ có tài nguyên, giá trị các hệ sinh thái có nguy cơ bị suy giảm do hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên cần sự phối hợp tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và cộng đồng để giải quyết; về ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Xác định rõ mục tiêu cụ thể, thời hạn của chương trình. Xác định phạm vi, ranh giới khu vực vùng bờ cần phải lập chương trình.
Theo các thành viên Hội đồng, đề cương Dự án cơ bản nêu rõ sự cần thiết thực hiện, nội dung đáp ứng được yêu cầu của địa phương, phương pháp thực hiện phù hợp, phương án triển khai tương đối phù hợp với nội dung. Hội đồng đã thống nhất thông qua đề cương Dự án sau khi đơn vị tư vấn điều chỉnh theo góp ý của các thành viên Hội đồng.
Tác giả: Nguyễn Thanh Dũng